Dự báo tình hình vận tải biển quốc tế 2025
Trong bối cảnh nền kinh tế – chính trị toàn cầu biến động liên tục, xu hướng giá cước vận tải biển trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Hãy cùng Future Go News điểm lại những thông tin quan trọng ảnh hưởng đến giá cước vận tải biển trong năm 2025, bao gồm các yếu tố cung – cầu, chính sách thuế quan quốc tế, và các yếu tố tác động từ biến động địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Mục lục
Biến động giá cước vận tải biển đầu năm 2025
Từ đầu năm 2025, giá cước vận tải biển liên tục giảm và đang chạm đáy trong vòng 1 năm vừa qua. Theo tổng hợp toàn cầu của Drewry trong tuần thứ 9 năm 2025, giá cước biển bình quân đã giảm xuống còn 2.600 USD cho mỗi container 40 feet.
Các chuyên gia nhận định rằng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, các nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu tái hoạt động, kéo theo nhu cầu vận tải tăng cao. Thêm vào đó, các nhà bán lẻ tại Mỹ cũng đẩy mạnh nhập khẩu để tránh các mức thuế cao hơn, điều này giúp cung – cầu trong ngành vận tải biển được cân bằng trong 2-3 tháng tới và dự báo giá cước biển sẽ ổn định và có thể tăng nhẹ trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng giá cước vận tải biển có thể tăng mạnh giống như giai đoạn từ 2017-2021, khi Mỹ áp thuế bổ sung vào năm 2018 và giá cước đã tăng hơn 70%. Nếu lịch sử lặp lại, mức thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ sẽ tiếp tục đẩy giá cước tăng cao.
Tình hình hiện tại đã có sự thay đổi lớn so trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi không chỉ có các rào cản thuế quan mà còn nhiều yếu tố khác tác động đến giá cước, như căng thẳng địa chính trị, bất ổn kinh tế, tắc nghẽn cảng biển, thiếu container, thiếu lao động, hay tác động từ giá dầu,… Những yếu tố này đã đẩy chi phí vận chuyển container lên cao và duy trì mức cao kỷ lục từ giai đoạn 2020 đến 2022. Mặc dù giá cước hiện nay đã hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn 85% so với mức trung bình của năm 2019, trước đại dịch Covid-19.
Dự báo giá cước vận tải biển 2025
Trong trung và dài hạn, giá cước còn tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào cung cầu ngành vận tải biển toàn cầu. Nếu nhu cầu tăng trưởng chậm đáng kể hoặc năng lực vận tải nhanh quá nhanh, áp lực giảm giá có thể kéo dài. Ngược lại, nếu có những yếu tố bất ngờ làm gián đoạn nguồn cung tàu biển (container), hoặc thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng mạnh, giá cước có thể tăng trở lại.
Dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2025 từ các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Tuy nhiên, năng lực vận tải toàn cầu dự báo sẽ tăng thêm 5%, tương đương 1,5 triệu TEU. Bên cạnh đó, tuyến đường qua kênh đào Suez dự kiến sẽ được khôi phục trong năm nay, mang lại thêm 9% công suất cho thị trường.
“Nếu điều này xảy ra, thị trường sẽ đối mặt với sự thừa cung rất lớn. Các hãng tàu có thể đối mặt với nguy cơ cạnh tranh gay gắt, làm giảm giá cước vận tải” – Các chuyên gia trong ngành dự báo.
Tuy nhiên, xu hướng giá cước trong trung và dài hạn không chỉ phụ thuộc vào cung – cầu ngành vận tải biển mà còn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ các chính sách thương mại của Mỹ và các quốc gia khác. Chính sách thuế quan của Mỹ là yếu tố khó dự đoán và có thể thay đổi nhanh chóng, làm tăng sự bất định trong dự báo giá cước vận tải biển.
Giá cước khó có thể tăng mạnh và duy trì ở mức cao như trước đây, nhưng có thể có các đợt tăng giá ngắn hạn. Nếu không có yếu tố bất ngờ nào gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cước có thể sẽ giảm trong dài hạn.
Future Go Logistics nhận định rằng việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hoá Trung Quốc sẽ khiến quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu diễn ra nhanh hơn, kéo theo đó là việc vận chuyển nhiều linh kiện, hàng hóa tại nhiều khu vực khác nhau với quãng đường vận chuyển dài hơn. Như vậy, giá cước vận tải biển có thể sẽ neo cao, thiết lập một mặt bằng giá mới.
Về thị trường vận tải biển Việt Nam, các chuyên gia dự báo sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nhờ sự gia tăng của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều ghi nhận các tín hiệu kinh tế tích cực.
Với việc sản lượng hàng hoá thông quan kỳ vọng tăng nhưng năng lực vận tải của đội tàu nội địa khó tăng trưởng tương ứng, Future Go Logistics dự báo, giá cước vận tải biển trong nước tiếp tục ổn định, thậm chí tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2025.