Lưu ý về ghi xuất xứ và ghi nhãn đối với hàng hoá xuất nhập khẩu
Trong bối cảnh Việt nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng mở rộng về quy mô và thị trường. Tuy nhiên, để hàng được lưu thông thuận lợi qua các cửa khẩu, doanh nghiệp cần ghi nhãn và ghi xuất xứ hàng hoá đúng quy định. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trước trước những thay đổi gần đây của pháp luật. Future Go sẽ giúp bạn nắm rõ các thông tin về xuất xứ và ghi nhãn hàng hoá theo quy định mới.
1. Cơ sở pháp lý và bối cảnh hướng dẫn
Ngày 9/5/2025, Chi cục Hải quan khu vực IV đã nhấn mạnh các quy định quan trọng trong việc ghi nhãn và xuất xứ hàng hoá xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Nội dung này căn cứ vào:
- Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa
- Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 43
Ngoài ra, để đảm bảo việc ghi nhãn và khai báo xuất xứ đúng quy định, doanh nghiệp cần cập nhật Quy trình mới kiểm tra. Đây là văn bản do Tổng cục Hải quan ban hành,góp phần tăng tính rõ ràng, minh bạch và tuân thủ trong toàn bộ chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu.

2. Đối với hàng hoá xuất khẩu: Ghi nhãn theo yêu cầu nước nhập khẩu
Nếu ghi xuất xứ trên nhãn, doanh nghiệp cần đảm bảo tính trung thực, chính xác và tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hoá. Việc này phải phù hợp với các quy định pháp luật về xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau:
- “Sản xuất tại”, “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ”, “sản xuất bởi”, “sản phẩm của” + tên nước/vùng lãnh thổ
- Trường hợp không xác định được xuất xứ, ghi công đoạn cuối cùng như: “lắp ráp tại”, “đóng gói tại”, “hoàn tất tại”, “dán nhãn tại” + tên nước/vùng lãnh thổ
- Tên nước hoặc vùng lãnh thổ phải ghi đầy đủ, không được viết tắt.
3. Đối với hàng hoá nhập khẩu: Ghi nhãn đầy đủ trước khi lưu thông
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải có nhãn gốc thể hiện các thông tin sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:
- Tên hàng hóa.
- Xuất xứ hàng hóa. Nếu chưa xác định được xuất xứ, phải ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
- Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc bên chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
Nếu nhãn gốc chưa ghi đầy đủ tên và địa chỉ của bên sản xuất hoặc bên chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài, thì các thông tin này phải được thể hiện đầy đủ trong tài liệu đi kèm hàng hóa.
Sau khi hoàn tất thủ tục thông quan và đưa hàng hóa về kho, tổ chức hoặc cá nhân nhập khẩu phải bổ sung nhãn phụ bằng tiếng Việt trước khi đưa hàng hóa ra thị trường Việt Nam.