KHỞI CÔNG TUYẾN ĐƯỜNG SẮT KẾT NỐI VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC 2025
Dự án tuyến đường sắt kết nối Việt Nam và Trung Quốc không chỉ là bước đột phá hạ tầng mà còn mang đến lợi thế chi phí thấp và năng lực vận tải lớn. Khả năng kết nối xuyên biên giới của tuyến đường sắt Việt – Trung này sẽ tạo ra những cơ hội kinh tế đáng kể cho Việt Nam trong lĩnh vực logistics và thương mại quốc tế.

Tuyến đường sắt hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội kinh tế cho Việt Nam và khu vực (Ảnh minh hoạ)
Những khó khăn của doanh nghiệp Việt
Hiện nay, việc vận chuyển hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu thông qua đường bộ, gây tắc nghẽn tại các cửa khẩu, và làm tăng chi phí logistics. Vào mùa cao điểm như các dịp lễ tết, tình trạng này thêm phần quá tải khiến việc vận chuyển trở nên khó khăn hơn. Nếu hệ thống đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được hoàn thiện, hàng hoá sẽ được luân chuyển nhanh chóng với chi phí thấp và quy mô lớn hơn. Điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, điện tử, dệt may và các mặt hàng chủ lực khác sang thị trường Trung Quốc nhanh chóng.
Chi phí vận chuyển cao đang là rào cản lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến giá thành và khả năng cạnh tranh. Đường sắt Việt – Trung như giải pháp tối ưu, có khả năng giảm chi phí vận chuyển từ 30-50% so với đường bộ và tiết kiệm đáng kể thời gian thông quan. Điều này giúp doanh nghiệp Việt tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu suất và mở rộng quy mô kinh doanh hiệu quả.
Tiềm năng của đường sắt Việt - Trung
Hệ thống đường sắt kết nối với Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp tại miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng. Khi việc vận chuyển hàng hóa trở nên thuận lợi hơn, nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư vào các khu công nghiệp ven đường sắt, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, các trung tâm logistics sẽ được xây dựng để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị hàng hóa.
Đánh giá về tiềm năng của đường sắt, ông Nguyễn Văn Tiến – Tổng giám đốc Công ty Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng cho biết: “Khi chúng ta có đường sắt thì chúng tôi dự kiến lượng hàng sẽ tăng lên 20-30% và khi đó lượng xuất nhập khẩu chúng tôi đang tính toán là các tuyến dài sẽ nhiều hơn tuyến ngắn. Đặc biệt chúng ta có thể đi đường tắt qua Trung Quốc và sang châu Âu luôn. Đây là một chuỗi dịch vụ đa phương thức rất tốt cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”.
Ngoài ra, dự án đường sắt Việt – Trung được nhận định sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, tiết kiệm chi phí logistics, giảm tải giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển xanh bền vững, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Khởi công vào cuối năm 2025
Tại cuộc họp song phương giữa bộ trưởng bộ xây dựng Trần Hồng Minh trong chuyến công tác tại Trung Quốc, hai bên đã thống nhất tích cực trao đổi và tăng cường hợp tác để thúc đẩy dự án đường sắt.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định, “lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, chỉ đạo sát sao tiến độ các dự án đường sắt kết nối Trung Quốc tại Việt Nam và phấn đấu để có thể khởi công Dự án đầu tư đường sắt Lào Cai-Hà Nội – Hải Phòng vào cuối năm 2025. Ngày 19/2/2025, Quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương đầu tư dự án và để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Quốc hội Việt Nam đã thống nhất cho phép áp dụng 18 cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để thực hiện dự án”.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc quan tâm, hỗ trợ nhằm sớm hoàn thành các giai đoạn quan trọng như: Phê duyệt và trao công hàm về viện trợ không hoàn lại đối với công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.