SIẾT CHẶT GIAN LẬN XUẤT XỨ ĐỂ BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU VIỆT

28.4.2025

Chia sẻ bài viết

Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp và nhạy cảm, đặc biệt khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng, vấn đề xuất xứ hàng hóa trở nên cực kỳ quan trọng. Căng thẳng thương mại leo thang đã dẫn đến nhiều hành vi gian lận thương mại, trong đó gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng gia tăng nhằm tránh các biện pháp trừng phạt thuế.

unnamed 1

Nhiều doanh nghiệp FDI gian lận xuất xứ để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Để chủ động thích ứng với tình hình mới, với mục tiêu thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, đảm bảo lợi ích giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Từ ngày 21/4/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BCT, chính thức thu hồi quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá CO, Giấy chứng nhận hàng hoá không thay đổi xuất xứ (CNM) và tiếp nhận đăng ký mã số REX từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp FDI đã rút khỏi Trung Quốc và chuyển hướng sang Việt Nam để ứng phó với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trong số các doanh nghiệp đó có những doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam chỉ để lấy xuất xứ từ Việt Nam nhằm xuất khẩu vào thị trường Mỹ và những thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam. Do đó, mục đích chính của họ là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. 

Những doanh nghiệp này thường chỉ đầu tư nhà xưởng, kho bãi, còn máy móc và thiết bị dây chuyền sản xuất rất đơn giản vì mục tiêu của họ không phải sản xuất tại Việt Nam mà chỉ sơ chế, lắp ráp, đóng gói lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu. 

Ông Âu Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng mặc dù chính sách nhất quán của Việt Nam là tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp FDI, nhưng các doanh nghiệp này bắt buộc phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Chúng ta không đóng cửa đối với những doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm mục đích gắn mác hàng hoá nhập khẩu, nhưng không cho phép doanh nghiệp ghi “Made in Vietnam” lên hàng hoá chỉ đóng gói, sơ chế, lắp ráp đơn giản tại Việt Nam để xuất khẩu. Nếu những trường hợp này vi phạm thì sẽ bị xử lý tuỳ theo mức độ nghiêm trọng. Còn nếu hàng hoá, sản phẩm của họ đáp ứng quy tắc xuất xứ thì vẫn được gắp “Made in Vietnam” khi xuất khẩu. 

snapedit 1745375845294

Ông Âu Anh Tuấn – quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan)

Những doanh nghiệp chỉ muốn lấy xuất xứ từ Việt Nam không khó để nhận ra. Ví dụ, doanh nghiệp có doanh số bán hàng lớn nhưng sử dụng rất ít lao động, tiêu thụ rất ít điện, nước và các chi phí khác để tạo ra sản phẩm. Doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, không đầu tư thiết bị, dây chuyền, máy móc, nhà xưởng, nhưng có kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu tăng đột biến, đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam… Tất cả doanh nghiệp này nằm trong diện nghi ngờ và các cơ quan quản lý cần đi kiểm tra thực tế.

Tóm lại, cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo đúng các cam kết quốc tế về thuế quan, thực hiện quản lý ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất – nhập khẩu; ngăn chặn hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp trong quá trình làm thủ tục hải quan và khi thanh, kiểm tra sau thông quan.

Việc thiếu kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ từ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ khiến uy tín thương mại Việt Nam sẽ suy giảm nghiêm trọng trên trường quốc tế, làm mất lòng tin của các đối tác lớn và gia tăng nguy cơ bị áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại, gây tổn hại trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu thực tế và nền kinh tế. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh thiếu minh bạch có thể làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư FDI chân chính, đồng thời gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và sự ổn định xã hội. Do đó, tăng cường quản lý xuất xứ hàng hóa là nhiệm vụ cấp thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia và xây dựng một nền kinh tế vững mạnh.

Các bài viết khác

Donald Trump đắc cử lần thứ hai và những tác động liên quan đến Logistics

Donald Trump đắc cử lần thứ hai và những tác động liên quan đến Logistics trong bối cảnh thị trường Logistics đang trải qua....

Xu hướng, dự báo tăng trưởng của ngành Logistic Việt Nam

Ngành logistics và quản trị chuỗi cung ứng tại Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội và triển vọng tích cực. Dù phải...
Contact Me on Zalo